Hoạt động kinh doanh là một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất đến dịch vụ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nhằm mục đích sinh lợi. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của cá nhân là điều rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nói riêng và để đảm bảo quyền của công dân nói chung.
Theo đó , Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Để thể chế quy định của Hiến pháp, luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân. Trong đó đã quy định về quyền của doanh nghiệp: “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.” (Khoản 1 điều 7 Luật Doanh nghiệp).
Những ngành nghề nào cấm kinh doanh?
Những ngành nghề Nhà nước cấm kinh doanh bao gồm 15 mục sau:
- Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;
- Kinh doanh chất ma túy các loại;
- Kinh doanh hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế)
- Kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách;
- Kinh doanh các loại pháo;
- Kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, đồ chơi, trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội;
- Kinh doanh các loại thực vật, động vật hoang dã, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến, thuộc Danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác, sử dụng;
- Kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em;
- Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức;
- Kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân;
- Kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài;
- Kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;
- Kinh doanh các loại phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường;
- Kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hoá và thiết bị cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và/hoặc sử dụng tại Việt Nam;
- Các ngành, nghề cấm kinh doanh khác được quy định tại các luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành.
Thế nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?
Sau khi doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp có quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh để sinh lợi. Tuy nhiên đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định của pháp luật đối với ngành nghề đó trước khi tiến hành kinh doanh. Ngày 22/11/2016 Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2016/QH14 Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ Lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 (trừ 2 ngành kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô).Theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, danh mục này bao gồm 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc 15 Lĩnh vực quản lý của nhà nước.
Điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
- Giấy phép kinh doanh
- Xác nhận vốn pháp định
- Chứng chỉ hành nghề
- Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
- Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được kinh doanh ngành, nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quý doanh nghiệp tại Phú Quốc muốn kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vui lòng liên hệ công ty Tư vấn Blue để được hỗ trợ tư vấn miễn phí, tiết kiệm thời gian. Trân trọng.